Đền Thờ Hình Ảnh Gia Phả Tài Liệu Liên Lạc

Về Tác Phẩm "Chủ Toàn Và Chủ Biệt, Hai Ngã Rẽ Trong Triết Học Ðông - Tây" Của Cao Xuân Huy



Giáo sư Cao Xuân Huy có một thời được nhiều người xếp vị trí ông như một “tứ hổ” của giới trí thức nước ta cùng với các giáo sư Hoàng Xuân Hãn, Đào Duy Anh và Đặng Thái Mai.

Ông còn được các nhà khoa học quốc tế, sau khi tiếp xúc, trao đổi học thuật, đều hết sức ca ngợi tầm hiểu biết sâu sắc về Đông phương học của ông. Viện sĩ Thông tấn Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô đã nhận xét: “Những người như Giáo sư Cao Xuân Huy ở thế giới hiện nay còn rất ít. Các đồng chí thật hạnh phúc là đã có một chuyên gia khoa học lớn như vậy” (1). Còn tiến sĩ Ngữ văn Viện Đông phương học Liên Xô I.Ây-đơ-lin thì đánh giá rất cao sự hiểu biết sâu sắc của giáo sư Cao Xuân Huy về Phật học (2).

Về sự nghiệp của giáo sư Cao Xuân Huy, Viện văn học nhận định: “Giáo sư Cao Xuân Huy là người suôt đời tận tụy với công việc cao quý của một người thầy giáo. Với kiến thức uyên bác và nhiệt tình bền bĩ trong năm mươi ba năm trời dạy học, giáo sư đã đào tạo cho đất nước nhiều thế hệ học trò mà ngày nay đều đã trưởng thành” (3).

Giáo sư Cao Xuân Huy được Nhà nước trao giải thưởng Hồ Chí Minh.

Giáo sư Cao Xuân Huy sinh ngày 28-5-1900 tại làng Cao Xá, xã Thịnh Mỹ, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An, trong một gia đình Hán học truyền thống. Ông nội là Cao Xuân Dục, thân phụ là Cao Xuân Tiếu, từng làm thượng thư và Tổng tài Quốc sử quán triều Nguyễn. Gia đình giáo sư có một thư viện lớn nhất cả nước.

Thời niên thiếu, giáo sư đã từng được thân phụ kỳ vọng vào việc đạt đại khoa để theo đuổi “nghiệp nhà”. Ông bước vào ngưỡng cửa cuộc đời khi Nho học còn thịnh vượng. Ông cũng đã từng gánh lều chõng đi thi hương. Nhưng lúc bấy giờ đã là những năm đầu của chiến tranh thế giới lần thứ nhất, phong trào yêu nước lên cao, nên đối với ông con đường khoa cử không còn là mộng tưởng của những thanh niên có tâm hồn yêu nước như ông.

Năm 1925, ông tốt nghiệp cao đẳng sư phạm Đông Dương, rồi được bổ dụng về dạy Trường quốc học Huế. Năm 1926 ông gia nhập Đảng Tân Việt ở Huế. Trong thời gian này, ông ký tên vào bức thư bày tỏ lòng ngưỡng mộ nhà trí thức Phan Bội Châu đang bị giam tại Huế. Năm 1927, ông bị thực dân Pháp bắt đầy đi Lao Bảo, năm 1928, chuyển về giam tại Nghệ An. Sau khi được tha, năm 1929 ông trở lại Huế, nhưng bị cách chức giáo học, phải làm công cho nhà in Đắc Lập. Từ năm 1934 đến 1938, ông dạy tư ở các Trường Paul Doumer ở Chấn Thanh ở Sài Gòn. Cũng trong năm 1938, ông ra Huế dạy các trường tư thục Hồ Đắc Đàm, Việt Anh, Thuận Hóa, nghiên cứu học thuyết Lão Tử và cộng tác với tờ báo tiếng Pháp Revue Pédagogique.

Sau Cách mạng tháng Tám, từ cuối năm 1945 đến tháng 2-1946, ông dạy triết học phương Đông ở trường đại học Việt Nam tại Hà Nội. Từ tháng 3-1946 đến 1949, ông làm hiệu trưởng Trường trung học Nguyễn Xuân Ôn ở Diễn Châu (Nghệ An). Cuối năm 1949 đến cuối năm 1951, ông dạy trường Trung học chuyên khoa Huỳnh Thúc Kháng kiêm dạy triết học lớp đại học Văn khoa đầu tiên do Bộ Giáo dục mở tại khu VI. Cuối năm 1951 đến 1956, ông dạy Dự bị đại học rồi dạy các môn triết học phương Đông, logic học, tâm lý học ở các lớp đại học Văn khoa và lớp đại học sư phạm. Sau khi hai trường đại học tổng hợp và đại học sư phạm được thành lập, ông dạy khoa văn trường đại học sư phạm. Từ năm 1957, ông dạy tâm lý học tại trường này.

Năm 1958, ông được Nhà nước phong giáo sư. Từ năm 1959, ông chuyển về công tác tại Viện Văn học, làm trưởng ban Hán học, Trưởng ban văn học cổ đại Việt Nam, Giáo sư chính lớp đại học Hán Nôm tại Hà Nội. Cuối năm 1970, ông được cử làm Ủy viên ban Hán Nôm, tiền thân của Viện nghiên cứu Hán Nôm ngày nay. Cũng trong thời gian này, ông dạy lớp chuyên tu Hán Nôm sau đại học và tham gia giảng dạy Văn ở Trường đại học tổng hợp, đại học sư phạm, dạy Kinh dịch, chữ Hán tại Trường đại học y dược và Viện đông y Hà Nội.

Cuộc đời của Giáo sư Cao Xuân Huy là cuộc đời “dạy và học”. Giáo sư say mê đi truyền thụ kiến thức như say mê đi truyền đạo. Ông là hiện thân của một nhà giáo không bao giờ biết mệt mỏi.

Với vốn kiến thức đồ sộ, uyên bác, với phưong pháp giáo dục khoa học, giáo sư đã đào tạo được nhiều thế hệ học trò đã trở thành những nhà nghiên cứu Đông phương học có tri thức và bản lĩnh vững vàng, những chuyên gia có tên tuổi trong nhiều chuyên ngành.

Cái phong độ ung dung tự tại, an bần lạc đạo của giáo sư, chúng tôi (những người từng được may mắn là học trò của giáo sư) chưa hề thấy ở một người nào khác.

Giáo sư Cao Xuân Huy viết rất ít, nhưng đọc thì rất nhiều. Giáo sư suốt đời đọc để tích lũy, hệ thống kiến thức để làm cho các giờ giảng dạy thêm sinh động. Giảng dạy và đọc sách đã choán hết thời gian trong cuộc đời của ông. Trong chiến tranh cũng như trong hòa bình được lập lại, mỗi khi đến thăm ông, mọi người đều bắt gặp ông đang đọc sách.

Tuy giáo sư rất ít viết, nhưng khi ông đã viết, ông thường viết một cách kỹ lưỡng, sâu sắc, ít ai có thể viết được như thế. Ông không bận tâm đến việc viết để công bố hết tác phẩm này đến tác phẩm khác. Hầu hết các trang viết của ông đều ở dạng bản thảo được sửa đi sửa lại nhiều lần, chắt lọc, cô đúc...

Tuy vậy, trước Cách mạng tháng Tám, năm 1944, trên tờ “Giáo dục tân san” có một loạt bài của Trường Xuyên, bút dạnh của giáo sư Cao Xuân Huy, về tư tưởng Trung Quốc, viết bằng tiếng Pháp, trong đó có nhiều bài nói đến “Siêu hình học của Khổng tử”, một bài giải thích nghĩa chữ “vô vi”, bốn bài đăng liên tiếp nhan đề là “Lão giáo và tấn kịch của văn hóa Trung Hoa”. Trên báo “Sáng tạo” có một bài bằng chữ quốc ngữ so sánh văn hóa Phương Đông với văn hóa Phương Tây... Năm 1938. Tờ Revue Pédagogique, đã đăng hai bài bằng tiếng Pháp của ông...

Là một triết gia, giáo sư Cao Xuân Huy đã có công trình “Chủ toàn và chủ biệt hai ngã rẽ trong triết học Đông Tây”. Đây là cống hiến quan trọng nhất của ông.

Học trò của giáo sư đã soạn những bài giảng của thầy thành sách, cuốn đầu tiên được xuất bản năm 1995 là: “Tư tưởng Phương Đông gợi những điểm nhìn tham chiếu” do giáo sư Nguyễn Huệ Chi soạn, chú, giới thiệu. Nhờ có cuốn sách ấy, đông đảo bạn đọc mới biết rõ giáo sư Cao Xuân Huy là một nhà Đông Phương học.

Giáo sư Cao Xuân Huy thường được các nhà xuất bản nhờ hiệu đính bản dịch. Viết Lời giới thiệu những tác phẩm lớn. Lời giới thiệu của giáo sư là một luận văn sâu sắc mà những nhà nghiên cứu rất khâm phục.

Cuộc đời của giáo sư không hề mảy may dính chút bụi bặm danh và lợi. Mấy chục năm liền, giáo sư hưởng mức lương chuyên viên 2, mãi đến trước khi mất một năm, người ta mới có quyết định điều chỉnh lên liền ba bậc lương.

Ngày 12-12-1974, giáo sư Cao Xuân Huy nghỉ hưu. Ngày 22-10-1983 ông mất tại TP.Hồ Chí Minh.

Những tác phẩm của giáo sư đã để lại cho đời:

  • Cuốn “Tư tưởng Phương đông gợi những điểm nhìn tham chiếu”.

  • Nhiều giáo trình đại học xuất sắc về: Kinh Dịch, Luận Ngữ, Mạnh Tử, Bách gia chủ tử;

  • Nhiều bài viết cho các báo, tạp chí trước Cách mạng tháng Tám 1945 bằng tiếng Pháp và tiếng Việt;

    Ngoài những tác phẩm trên, Giáo sư còn tham gia nghiên cứu hiệu đính bản dịch: Vân đài loại ngữ của Lê Quý đôn (NXB Văn học, 1962); hiệu đính cuốn Nguồn gốc của các loại của Darwin (NXB Khoa học, 1963); hiệu đính bản dịch Đông Chu Liệt quốc (NXB Phổ thông, 1962-1963); chủ trì việc tuyển dịch Liêu trai chí dị của Bồ Tùng Linh (NXB Văn học, 1989); Dịch Trúc lâm tông chỉ nguyên thanh của Ngô Thì Nhậm (NXB Khoa học xã hội, 1978); duyệt nhiều công trình biên khảo và dịch thuật từ chữ Hán như: Thơ văn Lý Trần 3 tập (NXB Khoa học xã hội, 1977-1978-1988); chủ biên thơ văn Ngô Thì Nhậm (NXB Khoa học xã hội, 1978)...

    Để tưởng nhớ giáo sự, TP.Hồ Chí Minh đã đặt tên cho một phố là “Phố Cao Xuân Huy”.

    Nguyễn Xuyến.

    (1) (2) Những gương mặt trí thức – NXB Văn hóa – thông tin – 1998 – trang 454.
    (3) Từ điển Nhân vật lịch sử Việt Nam – NXB Văn hóa – 1992 trang 77.

    http://www.dost-dongnai.gov.vn/chuyenmuc.asp?cat=2&itm=21&idd=633
  • back to top

    

    Hình Ảnh || Liên Lạc || English || Français