Đền Thờ Hình Ảnh Gia Phả Tài Liệu Liên Lạc

Câu Đối Của Thượng Thư Cao Xuân Dục Tại Di Tích Văn Miếu Vĩnh Long



Lịch sử

Văn Thánh Miếu Vính Long do đại thần Phan Thanh Giản và đốc học Nguyễn Thông chủ trương xây dựng. Công trình được khởi công xây dựng vào ngày 10 tháng 10 năm Giáp tý 1864 (đời Tự Đức thứ XVII), hoàn thành cuối năm Bính Dần 1866. Sau khi Pháp chiếm thành Vĩnh Long, Phan Thanh Giản tuẫn tiết, Nguyễn Thông tỵ nạn ra Bình Thuận, Pháp lấy cớ thiếu gỗ xây dựng dinh tham biện (dinh tỉnh trưởng) có ý định phá bỏ Văn Thánh Miếu. Ông Bá hộ Trương Ngọc Lang (tức Bá hộ Nọn - người Minh Hương) được đồng bào đề cử đứng ra ngăn cản, người Pháp mới không phá bỏ công trình này. Từ đó đến nay, Văn Thánh Miếu đã qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo vào các năm 1903, 1965 và 1994 nhưng vẫn còn giữ nguyên được kiến trúc xưa.

Đời vua Duy Tân, Thượng thư Bộ Học Cao Xuân Dục có đến viếng Văn Thánh Miếu và đã đề hai đối:
春秋何等乾坤道在五經雙日月
姝思別成武柱途過六省一宮場

Phiên âm
Xuân thu hà đẳng càn khôn, đạo tại ngũ kinh song nhật nguyệt;
Thù tứ biệt thành võ trụ, đồ qua lục tỉnh nhất cung tường.


Vietgle dịch
Thời Xuân Thu trời đất vô tận, đạo ở Ngũ kinh như hai vầng nhật nguyệt
Sông Thù - Tứ phân trụ đôi bờ, đường qua Lục tỉnh tựa một chốn cung trường


Nhà thơ Nhiêu Tâm - văn sĩ của đất Vĩnh Long - cũng có thơ ca ngợi Văn Thánh Miếu
Bấy lâu đàn hạnh lạnh mùi hương,
Cám cảnh tổng làng ráng sửa đương.
Trên Thánh chín từng an điện bệ,
Dưới hiền bảy chục kính phong sương.
Xưa còn gió ngỏ lay cờ đế,
Nay hết nhện rường bủa lưới vương.
Sáu tỉnh xô bồ cơn giá bụi,
Vĩnh Long phong tục giữ như thường


Kiến trúc

Cổng Tam quan của Văn Thánh Miếu được kiến trúc theo lối “nhị mái tam quan môn”. Trên đỉnh mái có đắp phù điêu lưỡng long tranh châu. Nổi bật bên trên là dòng chữ Hán: 文聖廟 cùng với dòng chữ quốc ngữ: Văn Thánh Miếu Vĩnh Long. Hai bên trụ cổng có đôi câu đối:

孔門傳道千般上
聖廟崇文萬代尊

Phiên âm:
Khổng môn truyền đạo thiên ban thượng
Thánh miếu sùng văn vạn đại tôn


Vietgle dịch:
Nơi cửa Khổng, đạo lý truyền đi, ngàn lớp người kính nể
Chốn miếu Thiêng, văn chương trọng vọng, vạn thế hệ suy tôn


Nối tiếp cổng Tam quan là một đường thần đạo thẳng tắp rợp bóng cây xanh. Trên con đường này có 3 bia đá, được bố trí từ trong ra ngoài theo thời gian tạo lập. Bia số một dựng năm 1867, mặt trước khắc trước tác bằng chữ Hán của Phan Thanh Giản, bàn về việc xây Văn Miếu; mặt sau là những minh, bang, tổng xã có công kiến tạo Văn Miếu. Bia số hai dựng để kỷ niệm Tống Hữu Định và giới trí thức trong cuộc trùng tu ngôi miếu lần 2 (1903); mặt trước ghi sơ lược công lao trùng tu Văn Miếu của ông Tống Hữu Định; mặt sau là danh sách các vị làng Long Hồ có công phụng thờ tu bổ di tích. Bia số ba nằm gần cổng Văn Miếu, dựng vào năm 1931, với bài văn và lời di chúc của bà Trương Thị Loan - người cúng hiến ruộng vườn cho Văn Miếu sử dụng từ năm 1915.
Kiến trúc chính của Văn Thánh Miếu là điện Đại Thành, nằm cuối đường thần đạo, là một toà nhà cổ kính 2 mái, trang trí họa tiết đơn sơ. Bên trong, nơi chính điện thờ Khổng Tử, hai bên (Tả ban, Hữu ban) thờ Tứ phối, Thập triết. Bên ngoài điện Đại Thành có hai miếu nhỏ (Tả vu, Hữu vu) thờ Thất thập nhị hiền

Trong khuôn viên di tích còn có một công trình văn hóa đặc sắc làm nên diện mạo riêng của Văn Thánh miếu Vĩnh Long đó là Văn Xương Các - 文昌閣 hay Tụy Văn Lâu - 萃文樓. Ngay từ khi xây dựng Văn Miếu, Phan Thanh Giản đã có ý định xây dựng công trình này để tập hợp văn sĩ trao đổi thi văn và giáo dục lòng yêu nước. Tuy nhiên, khi Văn Thánh Miếu vừa khánh thành không lâu, quân Pháp chiếm thành Vĩnh Long, Phan Thanh Giản tuẫn tiết nên công trình không xây dựng được. Năm 1869, bá hộ Trương Ngọc Lang đứng ra quyên tiền xây dựng một cái lầu phía trái Văn Thánh Miếu để thờ Phan Thanh Giản. Năm 1872 công trình này hoàn thành, Trương Ngọc Lang dựng bia đặt tên là Tụy Văn Lâu - 萃文樓 (lầu nhóm họp giới văn nhân tài tử). Tụy Văn Lâu được trùng tu năm 1914 và khoảng năm 1920 - 1923 được đổi tên là Văn Xương Các - 文昌閣 (gác văn thơ). Văn Xương Các xây dựng bằng danh mộc, gồm hai tầng. Tầng trên thờ Văn Xương Đế Quân, gồm ba vị: Cửu Thiên Khai Hóa Văn Xương Tử Đồng Đế Quân, Cửu Thiên Tuyên Hóa Văn Xương Khôi Khoa Tinh Quân và Cửu Thiên Dương Hóa Văn Xương Kim Giáp Tinh Quân. Tầng dưới đặt khánh thờ Gia Định Xử Sĩ Sùng Đức Võ Trường Toản, Khâm Sai Đại Thần - Kinh Lược Sứ Phan Thanh Giản, cùng các vị đại thần của nhà Nguyễn. Bên cạnh các vị đại thần về sau nhân dân còn đưa vào thờ những người có công lớn trong việc bảo vệ, trùng tu Văn Thánh miếu như: ông Trương Ngọc Lang, ông Tống Hữu Định….

back to top



Hình Ảnh || Liên Lạc || English || Français