Đền Thờ Hình Ảnh Gia Phả Tài Liệu Liên Lạc

Cao Xuân Dục - Sắc Tứ Từ Hiếu Tự Mộ Địa Bi Ký


Đông các Đại học sỹ Cao Xuân Dục là một trong những danh nhân tiêu biểu, góp phần làm rạng rỡ truyền thống lịch sử văn hóa của Nghệ An. Tài năng xuất chúng cũng như những công lao cống hiến của ông trên nhiều lĩnh vực được lịch sử vinh danh. Ông là người rất am tường Phật lý, có tâm hồn nhạy cảm, cảm thông với số phận của tầng lớp thái giám đương thời. Tác phẩm “Sắc tứ Từ Hiếu tự mộ địa bi ký” của ông nói về những tâm tư, tình cảm, mong ước sâu kín của các vị thái giám triều Nguyễn khi về nơi chín suối...



Cao Xuân Dục tự Tử Phát, hiệu Long Cương (1843 - 1923), người xã Diễn Thịnh, huyện Diễn Châu. Ông là người thông minh nổi tiếng, từng giữ nhiều chức vụ quan trọng ở triều Nguyễn, lại sống trong một giai đoạn đầy biến động của xã hội Việt Nam nửa cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX. Chí hướng của ông là giữ gìn khí tiết, cần mẫn thanh liêm, nỗ lực hết mình trong việc ổn định đời sống nhân dân và đóng góp công lao cho việc bảo tồn, phát huy những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc. Riêng về sự nghiệp văn chương, với học thức uyên bác, trí tuệ siêu quần, đặc biệt là ý thức xiển dương rực rỡ lịch sử văn hóa Việt Nam, ông đã để lại cho đời nhiều công trình quý giá trên nhiều lĩnh vực, xứng đáng được xem là một học giả lớn của Việt Nam. Trong những năm tháng làm quan của mình, Cao Xuân Dục được dân chúng nhiều nơi yêu mến, đồng liêu quý trọng.

Đặc biệt, ông rất quan tâm, thấu hiểu và cảm thông với những vị quan thái giám trong triều, chính vì vậy mà ông đã soạn nên bài văn “Sắc tứ Từ Hiếu tự mộ địa bi ký” dựng trong nhà bia ở khu mộ chung của các vị quan thái giám phía Tây chùa Từ Hiếu.

Chùa Từ Hiếu hay Tổ đình Từ Hiếu là tên một ngôi chùa ở thôn Dương Xuân Thượng III, phường Thủy Xuân, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên-Huế. Chùa là một trong những ngôi cổ tự lớn và là một danh lam có tính văn hoá và lịch sử của cố đô Huế.

Quan thái giám chỉ chiếm số lượng rất ít dưới xã hội phong kiến và không thuộc về một giai cấp nào trong xã hội. Tuy được gần “Thiên tử”, nắm trong tay quyền lực vô hình, nhưng suốt đời gắn bó với cung cấm, sống khác người và chết cũng khác người. Các vị quan thái giám kể từ lúc “tịnh thân” cho tới khi làm việc trong cung cấm, số phận của họ rất nhiều tủi hờn, bởi không chỉ khiếm khuyết về mặt thể xác mà còn khốn khổ về tinh thần. Họ lo lắng rằng sau này khi mình nằm xuống do không có con nối dõi, bát hương sẽ nguội lạnh trong những ngày cúng giỗ. Văn bia “Sắc tứ Từ Hiếu tự mộ địa bi ký” phần đầu nói về lai lịch ngôi chùa Từ Hiếu cũng như việc trở thành nơi yên nghỉ vĩnh hằng của những vị quan Thái giám.

Phần hai chủ yếu nói đến tâm tư sâu lắng, những mong ước thầm kín của các vị thái giám đương thời khi tìm chốn vĩnh hằng, nương nhờ cửa Phật: “...Xuất thân từ hạng hoạn quan, hỏi ai mà không tính kế sách của trăm nghìn năm sau cho bản thân mình? Ấy để sau khi mất, người ta chẳng lo không có chốn phụng thờ; sau khi quy y Phật pháp thì khỏi vướng bụi trần mà siêu độ...”. Vậy nên, họ đã “dựng một nhà nhỏ thờ Phật, lợp bằng ngói để thường khi dâng lễ cúng tế; dựng một ngôi đình để tuế thời nhu phẩm, gần gũi với chùa, nương nhờ chốn Phật, thờ phụng lâu dài. Lúc sinh bình ra vào có bạn, khi lâm tật bệnh, chết – chôn đều được tiễn đưa”. Từng lời, từng chữ trong bài văn như thấu hiểu tâm can, tỏ tường tâm ý của những cuộc đời “sinh ra chẳng được mấy ai chấp nhận”.

Đó chính là mối đồng cảm, hoà mình vào những thân phận con người, mà ngay cả người bình thường cũng không mấy ai có thể làm được. Sự am tường, thông tỏ và tấm lòng đồng cảm của ông đối với tầng lớp thái giám triều Nguyễn thực đáng trân quý, rất cần thiết được tìm hiểu và xiển dương, giúp chúng ta hiểu thêm về một lớp người mà cuộc đời có nhiều éo le, hờn tủi trong xã hội cũ. Nhờ bài văn khắc trên bia đá này, chúng ta có thêm cái nhìn toàn diện về cuộc đời, sự nghiệp cũng như tấm lòng bao dung, nhân ái của vị chủ nhân Long Cương thư viện này.

Bình Nguyên
https://baonghean.vn/cao-xuan-duc-va-sac-tu-tu-hieu-tu-mo-dia-bi-ky-69769.html

Bài Văn Bia “Sắc Tứ Từ Hiếu Tự Mộ Địa Bi Ký”



I. Vài nét về văn bia

Tấm văn bia Sắc tứ Từ Hiếu tự mộ địa bi ký được dựng trong nhà bia ở khu mộ chung của các vị quan Thái giám trong một khu đất có diện tích khoảng 460m2 nằm ở phía tây chùa Từ Hiếu.

Về hình thức, bia cao 1,26m, rộng 0,75m, dày 0,11m, trán bia cao 0,34m được trang trí theo hình lưỡng long chầu nguyệt. Riềm bia được trang trí hình hoa văn đơn giản. Chữ viết trong bia chân phương rõ ràng. Bia được đặt trên một tảng đá hình chữ nhật có chiều dài 0,93m, rộng 0,63m, dày 0,18m được trang trí bằng một đường riềm hoa văn đơn giản.

Bài văn bia này giới thiệu về chùa Từ Hiếu - một danh lam thắng cảnh của đất đô thành (kể cả ngày xưa cũng như ngày nay). Chùa này vốn bắt đầu từ một thảo am nhỏ có tên là An Dưỡng do Hòa thượng Nhất Định lập nên để an nhàn dưỡng bệnh và phụng dưỡng mẹ già. Chuyện vị Hòa thượng không ngại tiếng cười chê thường đi bộ xuống chợ Bến Ngự mua cá thịt về nuôi dưỡng mẹ già (vì người đi tu không được ăn thịt cá, nên thấy nhà sư đi chợ, nhiều người chưa hiểu lý do nên thường chê cười) đã được các vị Thái giám tâu bày với Hoàng thượng. Vua Tự Đức cảm phục tấm lòng của vị Hòa thượng mà sắc ban cho chùa tên gọi “Từ Hiếu” rồi cấp cho tiền của, ruộng đất để lo việc hương hỏa. Trước tấm lòng từ hiếu, quảng đại của vị sư trụ trì, các vị Thái giám triều Nguyễn đã đến đây tham vấn rồi tự nguyện đóng góp tiền mở rộng chùa. Từ những lần ra vào gặp gỡ nhau ở chùa Từ Hiếu, các vị Thái giám triều Nguyễn cảm thấy tâm hồn mình thư thái, những tâm sự sâu kín còn ẩn chứa trong lòng có dịp được bày tỏ. Họ cùng gặp nhau ở một suy nghĩ là lo lắng về sau không có người lo hậu sự. Từ đó họ quyết định nương nhờ vào cửa Phật – đó là chùa Từ Hiếu. Họ cùng nhau bỏ tiền kiến tạo, mở mang, trùng tu chùa nhiều lần và xin được cấp một phần đất chùa để xây sinh phần cho mình và về sau có người lo cho phần hương hỏa. Ước nguyện của họ đã thành sự thật. Ngày nay gần ba mươi ngôi mộ Thái giám triều Nguyễn vẫn được hương khói thường xuyên. Hàng năm các vị sư trong chùa Từ Hiếu đã lấy hai ngày - ngày 2/10 và ngày 6/10 âm lịch làm ngày giỗ chung để tưởng nhớ đến vong linh của các vị Thái giám triều Nguyễn.

Thông qua bài văn bia này chúng ta phần nào thấy được những tâm sự sâu kín của một lớp người đặc biệt trong xã hội phong kiến từ thời xưa.

II. Phiên âm, dịch nghĩa bài văn bia “Sắc tứ Từ Hiếu tự mộ địa bi ký”

1. Phiên âm:

SẮC TỨ TỪ HIẾU TỰ MỘ ĐỊA BI KÝ

Kinh thành chi tây nam đột nhất phụ yên. Thảo thụ sầm tịch, cảnh trí u hương. Trung hựu tự yên viết: “Từ Hiếu”. Kim chi xứng đô thành danh lam kỳ nhất thắng dã. Thời hữu thái giám tiền trí từ vân hiếu.

Khởi Minh Mệnh niên gian. Sơ vi An Dưỡng am. Hòa thượng tự Nhất Định công sở xưng dã. Thái giám Dương Uy, Đỗ Thị, Đặng Tín đẳng y qui chi, dĩ sự tấu đạt phụng, ngã Dực Tông Anh Hoàng đế. Ban dĩ điền tiền vi hương đăng kế. Nhân ngự tứ kim danh yên. Phúc quả viên hoàn hĩ. Nhân sự chi hậu phỉ nhi khởi, ải nhi quĩ xưởng giả nhất tái hỹ. Quân Ngô bối mưu cử chi. Ký Thành Thái ngũ lục thất niên, thức quách tỉ tiền nhật tăng yên. Diệc duy Thái giám Quản vụ Nguyễn Phượng xướng chi. Quản vụ Bùi Nhuận, Quản vụ Nguyễn Đa, Kiểm sự (Thừa vụ Nguyễn Đề, Điển nô Trần Đức Tâm, Điển nô Lê Nghĩa, Cung sự Bùi Phương, Thừa tá Trần Đồng) Nguyễn Lai, Kiểm sự Phạm Thưởng đồng viện nhân đẳng; đỉnh lực tương thành chi hữu bi ký tại. Nhân niệm xuất tự trung nhân, bất thị vi thiên bách niên kế như thân hậu hà. Duy hậu ư nhân; mỵ cửu bất khiêu, hậu ư Phật, my trần bất siêu. Kim kỳ dĩ thiền vi qui hồ? Viên ư tự chi thành Tây Nam ngung viên nhất khu thổ, xế dĩ chuyên vi tha nhật thọ tàng chi trạch. Trung cấu nhất am, cái dĩ ngõa vi tuế thời hưởng tự chi đình.

Vi tuế thời nhu thủ kỳ cận ư tự, y ư Phật dĩ diên kỳ tự nhĩ. Nhi bình cư chi xuất nhập tương hữu, tật bệnh tương phù, tử táng tương tống giả. Thử tâm dục dữ trinh mân chung cổ. Cố phạt thạch trưng văn dĩ thọ chi. Dư duy phù quảng đại từ bi, tốt dĩ hư vô vi qui giả Thiền giáo dã. Thiền gia dĩ hư vô vi quy. Chư quân cánh dĩ thiền gia vi y. Khởi kỳ dục hàng khổ hải nhi phiệt mê tân hồ. Chư quân sinh bất đồng xứ nhi tử dục đồng địa. Khởi kỳ dĩ trưởng tắc đồng thì quan tắc đồng kỳ chức sự hồ ? Phù nhân sinh ý khí tương kỳ hứa giả cửu châu tứ hải tận khả tri âm. Tam xích thổ, bách niên phần, độc hữu thiên cổ. Tự chi tu khởi giai nội thị chi thuỷ chung, tắc thiền gia chi qui y thị mộ địa chi viễn cận giã. Chiêm tượng gia hữu vân: “Thiên văn hữu quan giả, tứ tinh cư đế toà chi tây”. Cố chư quân sinh cận quân dã, tắc kỳ một nhi thác ư Phật tòa chi tây dã cố nghi.

Hoàng triều Thành Thái thập tam niên tuế thứ tân sửu trung thu nguyệt. Hiệp tá Đại học sĩ, sung Quốc sử quán, Phó Tổng tài kiêm quản Quốc tử giám sự vụ An Xuân (Nam Cổ Hoan Đông Cao Long Cương, Cao Xuân Dục Tử Phát). Cẩn thức.

2. Dịch nghĩa:

BIA GHI LẠI VIỆC SẮC BAN KHU ĐẤT MỘ Ở CHÙA TỪ HIẾU

Phía Tây Nam kinh thành đột nhiên nổi lên một gò đất. Cỏ cây um tùm, cảnh vật u nhàn, thanh nhã, trong đó có một ngôi chùa tên gọi “Từ Hiếu”. Ngày nay nó xứng đáng là một nơi danh lam thắng cảnh của đô thành. Thời ấy có một Thái giám đến trước điện rồng tâu hết với nhà vua rồi nói rằng: Người lập ra chùa này là một người rất có hiếu.

Chùa này có từ thời Minh Mệnh1. Mới đầu nó có tên là An Dưỡng am. Hòa thượng tên tự là Nhất Định, ông đã gọi nơi ấy như vậy. Các Thái giám Dương Uy, Đỗ Thị, Đặng Tín đã qui y2 ở đây rồi lấy việc ấy tâu bày với Dực Tông Anh Hoàng Đế ta3. Biết được việc ấy vua liền ban cho ruộng tiền để lo phần hương hỏa cũng nhân đó mà ban cho tên chùa như ngày nay. Như vậy phúc quả đã hoàn thành viên mãn. Rồi nhân sự việc đó mà sau này chùa đổ thì xây lại, chùa nhỏ hẹp thì nới rộng thêm một đôi lần. Tất cả đều do chúng tôi bày đặt ra. Đến năm Thành Thái thứ 5, 6, 74 thì thể thức bên ngoài chùa so với ngày trước tăng lên nhiều. Điều này cũng là do Thái giám Quản vụ Nguyễn Phượng đề xướng ra. Quản vụ Bùi Nhuận, Quản vụ Nguyễn Da, Kiểm sự (Thừa vụ Nguyễn Đề, Điền nô Trần Đức Tâm, Điển nô Lê Nghĩa, Cung sự Bùi Phương, Thừa tá Trần Đồng) Nguyễn Lai, Kiểm sự Phạm Thưởng cùng những người trong viện dốc sức để hoàn thành. Điều này có ghi lại trong bia ở đây. Nhân đó mà nghĩ rằng: Xuất thân từ hạng trung nhân5, thì sao lại không làm vì cái kế của trăm nghìn năm sau cho bản thân mình? Đối với người đời sau, mình không có nơi thờ tự thì chẳng bao lâu cũng sẽ bị quên lãng. Vậy việc hậu sự của đời người nếu không gửi ở cửa Phật thì linh hồn trên cõi trần sẽ không nơi siêu thoát. Nay lấy cõi thiền làm nơi quay về chẳng đúng hay sao ?

Ở góc Tây Nam thành chùa có một khu đất vườn, vì vậy nên lấy gạch đá làm ngôi nhà khác cho ngày trăm tuổi6, trong đó xây một cái am, dùng ngói lợp làm ngôi đình để tiện việc thờ tự cho những năm sau. Việc đó chính là vì nhu cầu của các năm tới là muốn lấy nơi ở gần chùa để cậy nhờ cửa Phật và để lâu dài mình có chỗ thờ tự mà thôi. Và nơi đây cũng quả thật là bình ổn, các Thái giám có thể ra vào cùng bạn hữu, khi ốm đau bệnh tật thì cũng có sự giúp đỡ lẫn nhau, khi chết thì được chôn cất và có người tống tiễn. Lòng này muốn nguyện cùng bia đá lưu dấu nghìn sau cho nên đã tạc đá ghi lời để lưu giữ mọi điều.

Ta nghĩ rằng tấm lòng quảng đại từ bi7 cuối cùng cũng lấy cõi hư vô8 cửa Thiền làm nơi quay về để giáo hóa chúng sinh. Các Thiền gia lấy cõi hư vô để làm nơi quay về còn các ông thay vì lại lấy Thiền gia làm nơi dựa cậy. Há chẳng phải là các ông muốn làm chiếc thuyền từ trên bể khổ và cái bè để vượt bến mê chăng9? Các ông sinh chẳng cùng nơi mà chết lại muốn chôn cùng đất. Há chẳng phải là các ông dựa vào việc: lớn lên thì cùng thời, làm quan thì đồng chức phận hay sao? Ôi! Con người sống ở trên đời, những kẻ ý chí tương kỳ thì dù ở tận chín châu, bốn biển cũng có thể hiểu được tiếng lòng nhau. Ôi! Ba tấc đất, nấm mồ trăm năm còn lại một mình cùng thiên cổ. Chùa này, từ đầu đến cuối, tu sửa hay khởi công đều do các nội thị, thì những nấm mồ ở xa, gần trên đất này đều được các Thiền gia qui y chăm sóc là lẽ thường tình. Nhà chiêm tinh có nói rằng: “Xem thiên văn thấy có bốn vì sao thế cho các vị quan ở phía tây tòa thành cung vua”. Cho nên, các ông sống gần vua thì khi chết mồ chôn cất ở phía tây cửa Phật là điều đương nhiên.

Tháng 8 năm Tân Sửu thuộc năm 13 đời vua Thành Thái. Hiệp tá Đại học sĩ, Sung Quốc sử quán Phó Tổng Tài kiêm quản lý sự vụ Quốc tử giám An Xuân, (Nam Cổ Hoan, Đông Cao Long Cương, Cao Xuân Dục Tử Phát) kính cẩn ghi lại.


Chú thích:

(1) Việc xây dựng chùa có hai thuyết:

  1. Văn bia Sắc tứ Từ Hiếu tự mộ địa bi ký cho rằng chùa được lập ra từ những năm niên hiệu Minh Mệnh.
  2. Văn bia An Dưỡng am Nhất Định hoà thượng hành thực bi ký có viết: “Thiệu Trị nhị niên Quý Mão thị lục thập tuế, hạnh mông ân tứ bệnh hồi dưỡng lão... lập am vu thử, tự danh vi An Dưỡng, di nhân dưỡng bệnh” (Vào năm thứ 2 đời Thiệu Trị (1842) tức năm Quí Mão, Hòa thượng Nhất Định 60 tuổi, chịu ơn vua về dưỡng lão đã lập am ở đây rồi gọi tên là An Dưỡng để ở nhàn dưỡng bệnh).


(2) Qui y: Tín theo tôn giáo, có nghĩa là cái tâm và thân của mình quay về nương nhờ cửa Phật.

(3) Dực Anh Tông Hoàng Đế: tức là vua Tự Đức (1848-1883)

(4) Năm Thành Thái 5, 6, 7 tức là vào những năm 1893, 1894, 1895.

(5) Trung nhân: là loại người không phải thượng trí cũng không phải là hạ ngu. Đó là người đứng giữa làm môi giới cho vua - Thiên từ (thượng trí) với những người bình thường. Vì vậy, “trung nhân” là một danh từ dùng để chỉ những vị Thái giám (một chức quan trong cung đình)

(6) Ngôi nhà khác cho ngày trăm tuổi: chúng tôi dịch từ cụm từ “Tha nhật thọ tàng chi trạch” bởi chữ “thọ tàng” nghĩa là cái mộ làm khi còn sống, hay nói cách khác là “sinh phần”.

(7) Quảng đại từ bi: là tấm lòng thương xót rộng mở với tất cả chúng sinh của Phật.

(8) Hư vô: là cảnh giới yên tịnh hoàn toàn của tâm thức không có sự suy nghĩ của lý trí.

(9) Đạo Phật coi cõi trần là bể khổ, là bến mê. Con người muốn thoát khỏi bể khổ thì phải tu theo đạo Thiền. Trong lúc con người chưa giác ngộ thì phải dùng một số biện pháp như trì giới tụng kinh, nhập định... Những biện pháp ấy chỉ là phương tiện để ngộ đạo, cũng như người qua sông thì phải dùng bè nhưng đến nơi rồi thì không cần nữa./.

TRẦN THỊ THANH
Đại học Khoa học Huế
Thông báo Hán Nôm học 2005 (tr.555-561)
http://www.hannom.org.vn/detail.asp?param=621&Catid=518

back to top



Hình Ảnh || Liên Lạc || English || Français