Đền Thờ Hình Ảnh Gia Phả Tài Liệu Liên Lạc

Cao Xuân Dục - Nhà Sử Học Triều Nguyễn


Cao Xuân Dục, tự là Tử Phát, hiệu Long Cương, sinh năm 1842 ở xã Thịnh Khánh (sau đổi thành Thịnh Mỹ) huyện Đông Thành (nay là Diễn Châu - Nghệ An), mất năm Quý Hợi (1923), thọ 82 tuổi. Gia đình họ Cao là một vọng tộc ở đất Nghệ An từ cuối thế kỷ XIX bắt đầu từ Cao Xuân Dục. Con trai ông là Cao Xuân Tiếu, đỗ phó bảng khoa Ất Tỵ (1905), làm quan đến Thượng thư. Các em của ông: Cao Xuân Khôi đỗ tú tài (1905), Cao Xuân Thọ đỗ cử nhân (1911) làm quan Tri phủ. Cháu đích tôn của ông là Cao Xuân Tảo, đỗ cử nhân (1912), làm quan đến Tá lý bộ Lễ. Người cháu nội Cao Xuân Huy, là một giáo sư quen biết của chúng ta. Con gái ông là Cao Thị Ngọc Anh là một nhà thơ.

Cao Xuân Dục nổi tiếng thông minh từ khi đi học, được thầy yêu mến và gả con gái cho. Tuy vậy, ông cũng lận đận về đường thi cử, mãi đến 34 tuổi mới đỗ Cử nhân (1876), đỗ đồng khoa cùng các ông Phan Đình Phùng ở Hà Tĩnh, Nguyễn Đôn Tiết ở Thanh Hóa và Phan Văn Ái ở Hà Nội. Một thời gian sau, Cao Xuân Dục có thi Hội nhưng trong bảng vàng không có tên ông. Năm sau, ông thi Hội lại bị hỏng và bắt đầu nhận chức Hậu bổ ở tỉnh Quảng Ngãi. Ông rất được các ông Tuần phủ, Bố chánh Quảng Ngãi là Đoàn Khắc Nhượng và Trà Quý Bình chú ý tiến cử nên nhanh chóng được làm tri huyện Bình Sơn rồi Mộ Đức. Năm 1881, Ông được điều về Huế, làm ở bộ Hình, rồi nha Thương Bạc với Nguyễn Văn Tường. Năm 1882, được tham gia vào phái bộ Trần Đình Túc ra Hà Nội thương thuyết với quân Pháp đang chiếm Bắc kỳ. Tiếp đó, được về biện lý bộ Hình, ra làm án sát, rồi Bố chánh tỉnh Hà Nội, làm Hải phòng sứ ở Hải Dương. Từ 1889, phụ trách tán lý quân vụ dưới quyền Hoàng Cao Khải, thăng lên làm Tuần phủ Hưng Yên. Năm 1890, giữ chức Sơn Hưng Tuyên Tổng đốc, rồi phong làm Thự hiệp biện đại học sĩ, lãnh tổng đốc Nam Định, Ninh Bình. Năm 1898, ông được điều về Huế làm Tổng tài Quốc sử quán, và giao quyền quản Quốc Tử Giám (1901). Tháng 11 năm 1907, ông được thăng Thượng thư bộ Học sung Phụ chính đại thần, được phong hàm Thái tử Thiếu Bảo 1908 và được tước An Xuân tử (1909). Năm 1913, xin về hưu với hàm Đông Các đại học sĩ, nghỉ được 10 năm thì mất.

Cũng cần phải thấy rằng, so với các triều đại phong kiến trước đây, triều đình nhà Nguyễn đã quan tâm đến lịch sử nước nhà nhiều nhất. Thời kỳ nhà Nguyễn là thời kỳ học giới nước nhà đặc biệt chú tâm về sử học. Lịch sử đã thật sự được chính quyền để ý và được học giả hết sức trân trọng. Vì vậy, dưới triều Nguyễn, đặc biệt là những năm cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX đã có nhiều tác phẩm lịch sử được tổ chức biên soạn rất công phu. Nhà nước đã chính thức đặt vấn đề nghiên cứu sử học và giao việc này cho Quốc sử quán phụ trách. Tổng tài Quốc sử quán Cao Xuân Dục đã có đóng góp to lớn duy trì truyền thống quốc gia thông qua việc biên soạn nhiều tác phẩm lịch sử với một sử bút nghiêm túc và trân trọng.

Cao Xuân Dục đã độc soạn hoặc hợp soạn với những người khác những trước tác như: Đại nam thực lục: Phần đệ ngũ kỷ (1883 - 1885) và Đệ lục kỷ (1886 - 1888): Quốc triều sử toát yếu (từ Nguyễn Kim đến 1886);Đại Nam nhất thống chí (soạn lại bản cũ) gồm địa chí các tỉnh Trung Bộ – in thời Duy Tân (1910); Đại Nam dư địa chí ước biên gồm các tỉnh Trung Bộ, Bắc Bộ; Quốc triều luật lệ toát yếu: Chủ yếu là luật lệ dưới thời Duy Tân (1907 - 1916) quyền này cũng soạn với một số người khác trong đó có con rể là Đặng Văn Thuỵ; Quốc triều khoa bảng lục ghi chép về những người đỗ đại khoa, ghi rõ tên họ, tuổi, quê quán, hành trang sắp xếp theo thứ tự tưng khoa thi; Quốc triều hương khoa lục ghi chép về những người đỗ cử nhân; Danh thần liệt truyện; Đại Nam chính biên liệt truyện; Viêm giao trường cổ ký, Đại nam hội điển sự lệ tục biên,…

Theo Cao Xuân Dục, "trong đời có ba việc lớn thì làm sử là một…". Chính vì thế mà bên trong một nhà chính trị tài đức Cao Xuân Dục có một nhà sử học Cao Xuân Dục trước tác khá nhiều với một sử bút nghiêm túc, thận trọng. Trong lời tựa của Quốc triều sử toát yếu, Cao Xuân Dục viết: "Nước phải có chính sự. Thời nào cũng phải có sử để ghi chép sự việc. Sống ở ngày nay nghiên cứu thời xưa, nếu không có sử thì dựa vào đâu?. Nhưng muốn xem sử nước ngoài thì hãy đọc sử nước mình trước; đọc sử nước nhà lại phải đọc sử của triều mình trước. ấy nghĩa là uống nước phải nhớ nguồn"

Vào triều vua Duy Tân, Quốc sử quán đã soạn bộ Quốc sử toát yếu gồm 7 quyển. Toát yếu viết theo lối tóm tắt mà không nghiên cứu bình luận gì, chỉ dựa vào những bộ chính sử của Nhà nước mà lược biên, rút gọn lại. Đó là cách viết khách quan song chính thực tại là chủ quan. Đặc biệt trong Toát yếu, Cao Xuân Dục đã chỉ đạo cho các tác giả chọn lọc những sự kiện nổi bật nhất, làm rõ được sự thịnh vượng của đất nước hồi đầu thế kỷ XIX. Ngoài mục đích tôn vinh, sách còn viết rất khéo léo về các văn thân liệt sĩ đã dựng cờ chống Pháp.

Cao Xuân Dục được xem là Sử bút nghiêm túc, thận trọng và tâm nguyện duy trì truyền thống văn hoá quốc gia được thể hiện rõ trong Quốc triều Hương khoa lục. Tác phẩm nay đã góp phần làm phong phú thêm tủ sách văn hiến Việt Nam. Quốc triều Hương khoa lục của Cao Xuân Dục ghi chép đầy đủ về toàn bộ 47 khoa thi Hương dưới triều Nguyễn từ thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX. Giá trị và ý nghĩa của Quốc triều Hương khoa lụcchính là sự thể hiện khả năng và đặc điểm của truyền thống Việt Nam. Đây là quyển sách đầy đủ và nhất quán nhất trong loại sách khoa lục ở Việt Nam cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Từ tác phẩm này, người đọc có thể dễ dàng thấy kỹ về tình hình học hành thi cử sử dụng trí thức, bổ nhiệm quan lại ở từng khu vực qua các giai đoạn. Trong lời mở đầu cho Quốc triều hương khoa lục Cao Tự Thạch đã giới thiệu rằng "Trong giới hạn của lịch sử quan Nho giáo cũng như tiêu chuẩn sử học phương Đông truyền thống, tác phẩm này đã kết hợp trong nó một ý thức quốc gia minh bạch với một bút pháp sử học bậc thầy… về cách thể hiện chính xác lập trường dân tộc qua việc sử dụng nhuần nhuyễn "bút pháp Xuân Thu" ở Cao Xuân Dục…"2. Chính vì thế mà Charles Patris đã nhận xét về trước tác của Cao Xuân Dục rằng: Những công trình được bố cục một cách trang nhã mà vững vàng, thấm đượm niềm say mê của tác giả đối với lịch sử tổ quốc, của tôn giáo, của dân tộc Việt Nam.

Nhận thấy "trí thức là báu vật hàng đầu của quốc gia" mà tinh hoa trí thức phần lớn lại tập trung trong làng khoa bảng vì thế Cao Xuân Dục đã biên soạn Quốc triều khoa bảng lục. Trong đó Cao Xuân Dục ghi chép đầy đủ các vị Phó bảng như ghi chép về các vị tiến sĩ. "Việc làm đó không chỉ xuất phát từ cái tâm đối với nhân tài của đất nước, chẳng bỏ sót một hạt châu đáy biển nào mà còn xuất phát từ cách biên soạn khoa học". Trong từng khoa thi, tác giả đã biên soạn và tổng kết một cách đầy đủ nhất quán trên hai bình diện: Tổ chức thi cử và những người đỗ đạt. Trong lời tựa Quốc triều khoa bảng lục Cao Xuân Dục đã viết: "Danh và khí là báu vật trong thiên hạ. Thiên hạ đã lấy làm báu vật tất phải để cả thiên hạ rõ. Bởi lẽ đó nên không thể không soạnHương khoa lục được, mà đến Hội khoa lục lại càng không thể bỏ qua không soạn". Vì thế, Khoa bảng lụclà công trình tập hợp đầy đủ nhất tất cả những gì thuộc về thi Hội thời Nguyễn từ khoa đầu tiên năm Nhâm Ngọ (1882) đến khoa thi cuối cùng năm Kỷ Mùi (1919). Quốc triều khoa bảng lục nói riêng và trước tác của Cao Xuân Dục nói chung "không chỉ có ý nghĩa đối với các nhà nghiên cứu trên các lĩnh vực khoa cử, giáo dục lịch sử, dân tộc, địa lý, văn học…mà còn có ý nghĩa đối với từng địa phương, từng dòng họ khi muốn tìm hiểu truyền thống quê hương, truyền thống gia tộc mình".

Ngoài ra, Cao Xuân Dục còn có những đóng góp rất lớn đối với ngành địa lý, văn học, triết học.... Trong số trước tác của Cao Xuân Dục để lại, Đại Nam dư địa chí ước biên là tác phẩm tâm đắc của tác giả. Chính tác giả đã nói: "Tinh lực cả một đời tôi dồn hết vào quyển sách này". Hãy ghi nhớ truyền thống mở mang gìn giữ Tổ quốc thống nhất từ Bắc và Nam. Đó là tâm sự ước nguyện của tác giả. Với tâm hồn và tri thức uyên bác thuộc nhiều lĩnh vực, tác giả đã viết nên bộ Dư địa chí có nhiều nét đặc sắc. Tác giả dồn cả tinh lực vào tác phẩm này để nghiên cứu địa lý, núi sông, đường sá, thuyền xe, mỏ than… đều là những điều có lợi cho dân sinh.

Ý thức gìn giữ và phát huy truyền thống dân tộc của Cao Xuân Dục còn được thể hiện rất rõ trong ĐạiNam nhất thống chí. Để "trùng tu" lại bộ Đại Nam nhất thống chí đưa ra in thời Duy Tân (1910) đã có cả một ban biên soạn đứng đầu là vị Tổng tài, quan Phụ chính đại thần. Thái tử thiếu bảo, Hiệp biện đại học sĩ, Thượng thư bộ Học, An Xuân Tử Cao Xuân Dục.

Ngoài những trước tác về sử - địa ra, Cao Xuân Dục còn biên soạn một bộ sách nổi tiếng về lĩnh vực triết học - đạo đức học: Nhân thế tu tri có 8 tập gồm 900 trang vào năm 1901. Bộ sách này trích trong kinh sử những "lời nói hay, việc làm tốt" nhằm giáo dục con người, biết tu dưỡng, sửa mình và mưu sinh. Có thể coi đây là một hệ thống quy phạm đạo đức chính thống của thời Nguyễn. Qua tác phẩm, chứng tỏ Cao Xuân Dục rất quan tâm đến luân lý và triết học.

Trong thời gian Ông làm quan ở các nơi và cả khi về hưu, Cao Xuân Dục đã thu thập rất nhiều sách, đặc biệt là sách cổ Việt Nam, kể cả những trước tác chưa hề được khắc in của những nhà khoa bảng trong nước. Tên hiệu của cụ Cao Xuân Dục là Long Cương nên kho sách của ông được gọi là Long Cương tàng thư. Đề phòng sách thất lạc, mất mát sau này, Cao Xuân Dục đã cho thuê người chép lại mỗi bộ 5 bản, giao cho mỗi con cháu giữ 01 bản. Dường như trong nhà Cao Xuân Dục bao giờ cũng có hai hoặc ba ông Tú, ông Cử vừa giảng dạy cho con cháu trong nhà vừa chép sách quý bổ sung cho thư viện. Vì thế vào đầu thế kỷ XX, ở Việt Nam Cao Xuân Dục có một thư viện rất lớn gồm khoảng 10.000 đầu sách bằng chữ Hán và chữ Nôm.

Như vậy, từ kho sách phong phú của thư viện Long Cương và đặc biệt là từ những trước tác do Cao Xuân Dục độc soạn hoặc soạn với người khác, người ta có căn cứ để khẳng định Cao Xuân Dục có tinh thần dân tộc, có ý thức giữ gìn nền văn hoá nước nhà. Cao Xuân Dục là người chủ trì nên các tác phẩm được biên soạn rõ ràng là theo phong cách của cụ. Cũng có rất nhiều sách do cụ Cao trực tiếp phụ trách nhưng nội dung sách phải dựa trên những bản thảo có sẵn như Quốc triều sử toát yếu, Quốc triều hương khoa lục,… Chính vì những điều đó nên để tìm được cái riêng của Cao Xuân Dục với tư cách là một tác giả độc lập là rất khó khăn. Nhưng "chính phong cách chung của một số tác phẩm đã toát lên sự rõ ràng, chính xác mà rất kiệm lời, gọn gàng súc tích. Có lẽ đó là những điểm có thể hình dung về Cao Xuân Dục với tư cách là một nhà văn, một nhà sử học và một nhà giáo dục".

Khác với phương diện chính trị, các hoạt động và kết quả của Cao Xuân Dục trong lĩnh vực văn hoá đã giúp người đời dễ dàng thừa nhận rằng "đây là một sử gia có thần dân tộc, là một học giả thực sự". Một điều đáng trân trọng ở Cao Xuân Dục là ông ra sức viết sử của đất nước kể cả khi nước đã mất vào tay kẻ xâm lược phương Tây. Ông say sưa tập hợp những tài liệu về đất nước và hăng hái viết sử không chỉ làm nhiệm vụ sử quan mà còn để ghi nhận đất nước này và hy vọng khôi phục lại thời kỳ "nhất thống" của Đại Nam. Chính vì thế, Cao Xuân Dục xứng đáng là một nhà văn hoá lớn của đất nước vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX".

http://khxhnvnghean.gov.vn/?x=256/chan-dung-nha-khoa-hoc/cao-xuan-duc-%E2%80%93-mot-nha-su-hoc-viet-nam-duoi-trieu-nguyen


back to top



Hình Ảnh || Liên Lạc || English || Français