Đền Thờ Hình Ảnh Gia Phả Tài Liệu Liên Lạc

Phan Huy Lê Di Cảo: Nhận Thức Lịch Sử Việt Nam



Những bài viết đúc kết và nâng tầm nhận thức lịch sử

Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Phan Huy Lê - một nhân cách lớn và một sự nghiệp lớn đã trở thành biểu tượng của giới sử học Việt Nam thời hiện đại. Ông là tấm gương sáng, niềm kiêu hãnh cho đồng nghiệp và các thế hệ học trò không chỉ trong nước và cả trên trường quốc tế.

Giáo sư Phan Huy Lê sinh ngày 23 tháng 2 năm 1934 tại xã Thạch Châu, huyện Thạch Hà (nay là Lộc Hà), tỉnh Hà Tĩnh trong một gia đình có truyền thống khoa bảng với nhiều trí thức thành danh như Phan Huy Ích, Phan Huy Chú, Phan Huy Vịnh, Cao Xuân Dục, Cao Xuân Tiếu…. Sẵn có những tố chất ưu trội được kế thừa từ Tổ nghiệp, cùng nỗ lực học tập của bản thân khi vừa tròn 18 tuổi, Ông đã được chọn vào học dự bị đại học ở vùng tự do Thanh Hoá. Tại đây, chàng thành niên Phan Huy Lê thông minh giàu nhiệt huyết, vốn có ước nguyện trở thành một nhà khoa học tự nhiên, đã được vị Giáo sư huyền thoại Trần Văn Giàu cảm hoá bén duyên với Sử học. Sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Thầy Lê bắt đầu cuộc hành trình gắn với ngành sử và nghiệp dạy học.

Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Phan Huy Lê là một cây đại thụ của nền sử học Việt Nam hiện đại, một nhà khoa học, một nhà giáo tài danh. Giáo sư là một trong “Tứ trụ” huyền thoại của trường phái Sử học Tổng hợp nói riêng, của nền Sử học Việt Nam đương đại nói chung, người kế cận xuất sắc thế hệ khai sáng của nên Sử học Cách mạng Việt Nam.

Với cương vị Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam từ năm 1988 đến năm 2016 và Chủ nhiệm Bộ môn Lịch sử Việt Nam Cổ Trung đại, Khoa Lịch sử, Đại học Tổng hợp, nay là Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQGHN, trong vòng 3 thập kỷ, Giáo sư đã có những đóng góp và cống hiến to lớn cho sự phát triển giáo dục và nền sử học nước nhà. Giáo sư cũng là người đã sáng lập Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và Giao lưu Văn hóa thuộc Đại học Tổng hợp Hà Nội (tiền thân của Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, ĐHQGHN hiện nay), đồng thời khởi xướng thành lập khoa Đông phương học thuộc Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQGHN, mở đường cho các ngành học mới là Đông Phương học, Nhật Bản học, Đông Nam Á học,… tại Việt Nam.

Giáo sư Phan Huy Lê cũng là người dẫn dắt giới sử học, dẫn dắt giới khoa học xã hội nhân văn giao kết, đối thoại với giới nghiên cứu Việt Nam ở nước ngoài, trở thành một trong những nhịp cầu quan trọng kết nối Sử học và các ngành khoa học xã hội Việt Nam với thế giới trong bối cảnh hội nhập quốc tế của đất nước. Tên ông đã trở thành niềm kiêu hãnh của học trò và đồng nghiệp trong nước và quốc tế.

Từ năm 1958 cho đến khi rời xa cõi tạm, với tư duy sắc sảo, nhạy bén; phương pháp làm việc khoa học, nghiêm cẩn; tinh thần quyết liệt, niềm say mê với nghiên cứu khoa học và một bút lực dồi dào, Giáo sư Phan Huy Lê đã để lại hơn 600 công trình có giá trị, trong đó rất nhiều công trình “vượt ra ngoài biên giới”, “tác phẩm mẫu mực trong đúc kết lịch sử”.
Nhân kỉ niệm 90 năm ngày sinh của Giáo sư (23/2/1934 -23/2/2024), các con, cháu của Giáo sư làm việc trong nhóm Sử học liên ngành, như vẫn được bố/ông ngoại hằng ngày chăm lo, dẫn dắt, đã tìm trong di cảo của Giáo sư những tổng kết hội nghị, hội thảo khoa học; những bài viết khai mở và định hướng cho nhiều hướng nghiên cứu mới; những trao đổi thảo luận về các vấn đề hay nhân vật lịch sử có nhiều gai góc, “nhạy cảm”… để tổng hợp, tổ hợp thành cuốn sách mang tên “Phan Huy Lê di cảo: Nhận thức lịch sử Việt Nam”.

Có thể nói những tổng kết khoa học của GS Phan Huy Lê luôn luôn đạt đến đỉnh cao và trở thành mẫu mực của sự “ngang bằng, sổ thẳng”, tô đậm thêm nhân cách và thành tựu sử học của người đứng đầu và đại diện tiêu biểu cho nền Sử học Việt Nam đang hội nhập và phát triển mạnh mẽ ở những thập kỉ cuối thế kỉ XX, đầu thế kỉ XXI.

Ông Vũ Trọng Đại (Tổng Giám đốc Công ty CP Xuất bản Khoa học và Giáo dục Thời đại) xúc động chia sẻ: “Được trở thành đơn vị xuất bản cuốn sách “Phan Huy Lê di cảo: Nhận thức lịch sử Việt Nam” là một vinh dự rất lớn đối với công ty. Với lòng kính ngưỡng người Thầy vĩ đại, chúng tôi đã thực hiện công việc với tinh thần khẩn trương, cẩn trọng cao nhất để tác phẩm có thể xuất bản kịp tiến độ”.

Xem bản PDF


back to top



Hình Ảnh || Liên Lạc || English || Français