Cao Thị Hòa - caoxuan.com - 
Đền Thờ Hình Ảnh Gia Phả Tài Liệu Liên Lạc

Cao Xuân Dục   –   Phan Thị Tiệp

Cao Thị Bích
Cao Xuân Tiếu
Cao Thị Quán

[edit]

Cao Thị Hòa


1878 – 1970
bút hiệu Ngọc Anh
( Việt Nam )

Nguyễn Duy Nhiếp

Nguyễn Thị Quỳnh Nghi
Nguyễn Sĩ Túc
Nguyễn Sĩ Đạo

Bút hiệu Ngọc Anh.

Con thứ 4 cụ Cao xuân Dục và bà Phan thị Tiệp.

Sinh ngày 29-11 năm Mậu Dần (22-12-1878) tại làng Thịnh Mỹ, mất ngày 11-09 năm Canh Tuất (10-10-1970) tại xã Phú Nhuận, quận Tân Bình, tỉnh Gia Định.

Thuở nhỏ, thân phụ bà là Thượng thư bộ Học Cao Xuân Dục có đính ước thông gia với Cử nhân Lê Huy Nghiêm, thân phụ họa sĩ tương lai Lê Văn Miến.

Tuy nhiên, về sau ông Lê Văn Miến có gửi thư đề nghị bãi hôn do cảm thấy bất tương gia.

Năm 19 tuổi,tại Huế, bà xuất giá lấy ông Nguyễn Duy Nhiếp làm kế thất, tức là về làm dâu quan Phụ chính Đại thần Nguyễn Trọng Hợp triều Thành Thái.

Chồng mất sớm, lúc bà Hòa mới 26 tuổi, có ba con còn rất nhỏ (lên 5 tuổi,2 tuổi và 4 tháng).

Tuy là người tài hoa, nhan sắc bà không tái giá mà ở vậy nuôi con.

Năm 1908, bà mở trường dạy võ cho phụ nữ, sau 1 năm, trường bị đóng cửa. Năm 1953, với bút hiệu Ngọc Anh, bà xuất bản tập thơ viết bằng chữ Hán và Việt "Khuê Sầu Thi Thảo".

Tập thơ này được ái mộ trong giới văn học Việt Nam thời bấy giờ.

Click to view document

Bà mất năm 1970, tại Gia Định, thọ 92 tuổi.

___________________________

Giai thoại về Cao Thị Ngọc Anh

[Theo website Quê Hương]

Cao Thị Ngọc Anh sinh ngày 22 tháng 12 năm 1878 (năm Tự Đức 31), mất năm 1970 tại Sài Gòn, thọ 92 tuổi. Quê bà làng Thịnh Mỹ, Diễn Châu, Nghệ An. Cao Ngọc Anh là ái nữ của Đông các Cao Xuân Dục, em gái Hiệp tá Cao Xuân Tiếu, những vị đại nho, những nhà văn có tiếng. Đư­ợc thân phụ cho theo nghiệp bút nghiên từ thuở thiếu thời, nên Cao Thị Ngọc Anh uyên thâm cả Hán học, tao nhã cả văn chư­ơng.

Bà là một phụ nữ tài hoa, nổi tiếng cả xứ Nghệ, có tư­ tư­ởng tiến bộ, yêu nư­ớc. Năm 1953, nữ sĩ xuất bản tập Khuê Sầu thi thảo gồm những bài thơ chữ Hán và chữ Việt.

Khoảng năm 1960 - 1961, ở Sài Gòn bà đứng đầu Hội thơ Quỳnh Dao, chiêu tập và quần tụ các nữ sĩ.

Thơ Cao Thị Ngọc Anh giàu chất trữ tình và trào lộng. Với bản thân, bà cũng Tự trào mình:

Nghĩ mình mà ngán cho mình

Chẳng có chi là lại có danh

Không thế, không thần, không sự nghiệp

Dở tiên, dở tục, dở tu hành

Bầu vơi r­ượu thánh hồn lai láng

Túi nhẹ thơ tiên trí quẩn quanh

Đạo hữu ớ hay đâu vắng nhỉ

Biết ai đàm đạo mấy câu kinh.

M­ượn ý ca dao

Năm 19 tuổi, bà kết duyên với án sát Nguyễn Duy Nhiếp, làm dâu Cần chánh Nguyễn Trọng Hợp.

Năm 26 tuổi, Cao Thị Ngọc Anh goá chồng khi vẫn còn xuân sắc và tài hoa. Biết ông anh rể để ý đến mình, trong một bữa thư­ởng thức cây nhà lá vư­ờn bà đùa:

Trà ngon uống hết không trừ cặn

Mít ngọt anh đành đánh cả xơ

(Bà đã lấy ý trong ca dao:

Mít ngon anh đánh cả xơ

Chị đẹp em đẹp anh rờ cả hai)

Bà thủ tiết, nuôi ba con đến mãn đời.

Bài thơ kén chồng

Bà Cao Thị Ngọc Anh tính hay chọc ghẹo. Có lần bà làm bài thơ Kén chồng:

Kén chồng khó lắm chị em ơi!

Trong đám nhà nho cũng hiếm ng­ười!

Hậu bổ bấy lâu nhà nư­ớc bỏ,

Đốc tờ ai nấy vợ con rồi.

Thượng l­ưu các cụ, e nhiều tuổi?

Cao đẳng đàn em khó sánh đôi?

Ngán nhẽ mâm son mà ế nhỉ ...

Mấy cô cháu gái thích chí chép bài thơ này để trêu cô T­ - một hoa khôi thời bấy giờ ở thành Vinh. Về sau, bài thơ được truyền tụng rộng khắp. Các cô gái quá lứa lỡ thì trong xứ đều nhận đ­ược ít nhất vài lá thư­ trong đó có bài thơ nghịch ngợm này.

Về sau, thấy không ai lên tiếng, cháu 4 đời cụ Nguyễn Du - ông nghè làng Tiên Điền Nguyễn Mai đã thay chị Nhuỵ, em gái mình đáp hoạ bài thơ trên:

Lo thay chi mệt, hỡi ai ơi

Trong hội văn minh chẳng thiếu ngư­ời

Màn tía hoa thần còn nhuộm để

Chỉ hồng nguyệt lão đã xe rồi

Cầm lòng trinh bạch nêu cao giá

Rõ mặt anh hùng mới sánh đôi

Sớm muộn biết đâu hay với dở?

Biết nhau, xin chớ bỡn nhau chơi.

_____________

Bà CAO NGỌC ANH (1878-1970)

[http://www.viethoc.org/phorum/read.php?11,14236,14285]

Bà sinh năm 1878, làng Thịnh Mỹ, phủ Diễn Châu, tỉnh Nghệ An, Trung Việt, ái nữ của Đông Các Cao Xuân Dục. Năm 19 tuổi kết duyên cùng án sát Nguyễn Duy Nhiếp, con trai Cần Chánh Nguyễn Trọng Hiệp, quán làng Kim Lũ, huyện Thanh Trì, tỉnh Hà Đông, Bắc Việt. Hai họ Cao Nguyễn đều là lệnh tộc, nức tiếng về văn học và phẩm cách. Bà Ngọc Anh được thân phụ rèn luyện bút nghiên từ tấm bé, lại sẵn có tài ngâm vịnh nên sớm nồi danh trong làng văn tự. Đến năm 26 tuổi, bà không may gặp cảnh góa chồng. Găp ngày nguyên đán bà nghĩ thương người sớm quá cố, có bài:

Đôi đào chàng mới trồng năm trước

Nay thấy đào hoa chẳng thấy chàng.

Ví khiến thần hoa như có biết:

Vì chàng nhan sắc giảm phần chăng?

Nhân giở lại tập thơ của chồng, bà cảm tác thành thiên luật Đường, lược dịch:

Ấm ức lòng thu ngủ chẳng yên

Đốt lò hương dậy đọc di biên.

Bao nhiêu lời hẹn tuôn mây gió,

Để chút duyên thừa dấu bút nghiên!

Trăng dọi lầu ngâm thêm lặng lẽ,

Đèn chong lệ sáp nhỏ liên miên.

Hồn thiêng đâu đó như cùng biết

Thêm mấy vần thơ "biệt hận thiên!"

Bà ở góa trong cái tuổi nửa chừng xuân, tài sắc kiêm ưu, nên nhiều nhà thơ trong giới quan trường không khỏi có ý muốn lân la, buông lời trêu cợt. Bà tuyệt nhiên không trả lời ai cả. Một hôm nhân nhà có giỗ, bà cho mời tất cả các vị ấy lại dự tiệc. Khi tan tiệc, cùng lên cầu Hàm Rồng chơi. Đến nơi, bà nói:

- Đứng trước danh sơn thắng cảnh này, dám xin các vị thi nhân mỗi vị cho một bài, làm kỷ niệm.

Một ông đáp:

- Vâng, chúng tôi đâu dám chối từ, nhưng xin bà cho bài xướng trước, chúng tôi mỗi người sẽ họa sau.

Bà đọc rằng:

Hàm Rồng nô nức tiếng đồn om,

Rải rác nhà tranh ở mấy chòm.

Hỏi đá chờ ai ngồi nhấp nhỏm?

Thương cầu vì nước đứng lom khom...

Sóng như chào khách chờn vờn nhảy,

Nguyệt cũng yêu ta lấp ló dòm.

Cửa dộng rêu phong mờ nét chữ,

Ai người mến cảnh chút trông nom...

Bài thơ vận khó quá, ý tứ lại tế nhị. Câu "Hỏi đá chờ ai ngồi nhấp nhỏm" và "Sóng như chào khách chờn vờn nhảy" có ý trỏ vào các vị thường có thơ gửi đến trêu bà. Câu "Thương cầu vì nước đứng lom khom" và "Cửa động rêu phong mờ nét chữ" bầy tỏ tâm sự mình, cảm thương số phận và quyết giữ niềm tiết phụ.

Các vị thi bá tần ngần nghĩ chẳng ra vần, và cũng không dám trêu cợt trước thái độ đoan trang ấy, nên đứng chơi hồi lâu rồi xin lỗi chủ nhân, lẻ tẻ kéo nhau về. Từ đó không dám múa bút với bà nữa. Bà một dạ thờ chồng nuôi con, nên trong cảnh ly phụ thường thốt ra lời thơ não nùng:

Tự thán

Muốn chết mà chưa nhắm mắt đành,

Hồn quê vơ vẩn suốt năm canh.

Trông gương kim cổ chưa mờ thủy,

Thấy cuộc tang thương lại giật mình.

Chiếc bách lênh đênh nhà bốn bể,

Mối tầm vương víu nợ ba sinh.

Ấy ai cốt nhục cùng ta đó,

Quẩy đỡ cho nhau một gánh tình!

Gánh tình ai quẩy đỡ cho nhau?

Một bước chân di một bước sầu.

Trải khắp non xanh cùng nước biếc,

Quản chi nắng dãi với mưa dầu.

Ngâm câu khế khoát tai còn vẳng

Đọc chữ cù lao dạ quặn dau.

Nam Bắc đôi đường trông mỏi mắt,

Hiu hiu gió thổi ngọn bông lau...

Trong bao năm non sông bị ách thống trị của ngoại bang, bà thường ký thác nỗi lòng thương nước vào thơ văn mỗi khi có dịp nhàn du đây đó:

Ngũ Hành Sơn

Nghe nói Hành Sơn cảnh tuyệt vời

Thanh nhàn dạo bước, thử xem chơi

Năm hòn chót vót cây chen dá

Bốn mặt mênh mông nước lộn trời

Bãi cát trắng phau cơn gió thổi

Chòm rêu xanh ngát bóng trăng soi

Ngự thi nét bút còn như cũ

Dâu bể bao phen dã đổi dời...

(Có người dịch Nôm khác)

Nghe nói Hành Sơn cảnh tuyệt vời,

Cõi trần dạo bước thử xem chơi.

Năm hòn chót vót cây chen đá,

Bốn mặt mênh mông nước lấn trời.

Bãi cát trắng phau cơn gió bụi,

Chòm rêu xanh ngắt bóng trăng khơi.

Ngự thi nét bút còn như vẽ,

Dâu bể bao phen đã đổi dời.

Ở Trung Kỳ

Trung kỳ nấn ná bấy nhiêu năm,

Buồn lại đi chơi, mỏi lại nằm.

Cũng đủ với đời: tai mắt miệng,

Mà cam chịu nỗi: điếc mù câm!

Nghe chi cho mệt lòng suy nghĩ,

Nói lắm càng thêm sự lỗi lầm.

Đã thế thì thôi, thôi mặc thế,

Hơi đâu chác lấy chuyện thương tâm!

Ăn Tết ở Sài gòn

Nghìn dặm xa xôi trải nước non,

Thoi đà thấm thoát sáu trăng tròn.

Xuân về hớn hở người vui bạn,

Tết đến bùi ngùi mẹ nhớ con.

Người trước năm mươi đà biết dại

Ta nay sáu chục vẫn chưa khôn

Nam kỳ ướm hỏi ai tri thức

Khắc khoải xa nghe cuốc gọi hồn.

Ngay cả những khi ngồi chơi với con cháu trong ngày tết, bà cũng không quên đợc tình cảnh quê hương:

Đánh Bài Bất

Một cuộc mua vui học trẻ con

Quây vây băm tám một vòng tròn

Nhị rồi tống cửu đen như mực

Thất kéo lên tam đỏ quá son

Đã trót vùi đầu theo với nước

Cũng đành nhắm mắt chẳng thôi non

Cửu văn ông cụ dà vơ sạch,

Ngơ ngác nhìn nhau: nước mất còn?

Bề ngoài nói nói cười cười, nhng thâm tâm vẫn khinh miệt những trò dáo dở nơi chính trường:

Ngạo Đời

Ai bảo là ta tính ngạo đời

Khinh đời vẫn khó há rằng chơi!

Khinh người lắm của còn ham của,

Khinh kẻ cao ngôi chẳng xứng ngôi!

Khinh gái chung tình, chung cửa miệng

Khinh trai ái quốc, ái đầu môi.

Có khinh chăng nữa là khinh thế

Nào dám khinh đâu khắp mọi người!

Bà tạ thế năm 1970 ở Sàigòn, thọ 92 tuổi. Con gái bà, Nguyễn Thị Quỳnh Nghi, có bài thơ ca ngợi bà:

Mượn thú văn chương tỏ nỗi nhà

Lam Hồng nữ sĩ khác người xa

Trần duyên chưa được tròn công quả

Tâm sự thôi dành gửi bút hoa

Mệnh bạc thẩn-thơ cơn sóng gió

Lòng son tô diểm nét sơn hà

Nuốt cay ngậm đấng bao tình cảm

Tiết điệu đêm dài lệ nhỏ sa...

_______________

Con ghẻ (thất ngôn)

Cái ghẻ, mày ơi! Tớ bảo này

Sao mày quanh quẩn mãi chi đây

Trước còn ăn hết làn da mỏng

Sau lại dùi vô tấm thịt dầy

Sâu trắng độc ngầm không kẻ biết

Nước vàng chảy mãi có ai hay?

Nhân ngôn móng chó chưa nhằm mặt

Phải có diêm sinh để trị mày.

Đáp lại những ai cho là ngạo đời (thất ngôn)

Ai bảo là ta tính ngạo đời

Khinh đời vẫn khó, há rằng chơi

Khinh người lắm của còn ham của

Khinh kẻ cao ngôi chẳng xứng ngôi

Khinh gái chung tình, chung cửa miệng

Khinh trai ái quốc, ái đầu môi

Có khinh chăng nữa là khinh thế

Nào dám khinh đâu khắp mọi người.

Nhớ quê hương (hát nói)

Mưỡu: Hỏi ai gây việc chiến tranh

Non sông xẻ nửa gánh tình chia đôi

Vầng trăng vằng vặc giữa trời

Nhớ quê muôn dặm nhớ người nghìn xưa

Hát nói: Trăng thanh gió mát tựa bên lầu

Ngâm hát một mình chơi

Đầu non xa thoang thoảng hương mai

Niềm tâm sự biết cùng ai giải tỏ

Lâu thượng nhất huỳnh tùy nguyệt độ

Liêm tiền số điểm họa phong ca

Đoái non sông Nùng, Nhị xa xa

Chòm mây trắng ấy nhà ta đó nhỉ

Ai tri kỷ, biết ai là tri kỷ

Trên từng mây lơ lửng chị Hằng Nga

Một trăng với lại một ta!

_______________

Xem thêm:

Một “ Chỗ đứng ” cho nữ sĩ Cao Ngọc Anh trong làng thơ Việt Nam (Nguyễn Khắc Phê)

Bài trên wikipedia Việt

Nữ sĩ Cao Ngọc Anh: Trông ra thói tục, cười long óc [www.cand.com.vn]

[edit]

?Bạn có thông tin về Cao Thị Hòa?
Nếu bạn biết password xin bấm vào [đây - edit] để bổ túc tiểu sử.
Nếu không biết password xin bấm vào [đây - send info] để gửi qua email.
Chúng tôi sẽ đọc qua và đăng lên mạng. Cảm ơn.

Tra liên hệ giữa hai người

Tên người 1

Tên người 2




Hình Ảnh || Liên Lạc || English || Français